Sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục

Lượt xem:


2.1. Trình tự, thủ tục:

a) Trường hợp sáp nhập, chia tách để thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được thực hiện như sau:

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản để tổ chức, cá nhân bổ sung cho đầy đủ; nếu từ chối Ủy ban nhân dân cấp xã phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị kiểm tra các điều kiện sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;

– Trong thời hạn 10 ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiểm tra trên thực tế, nếu thấy đủ điều kiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản cho phép sáp nhập, chia, tách. Trường hợp không cho phép sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản thông báo đến Phòng Giáo dục và Đào tạo và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ biết rõ lý do và hướng giải quyết.

b) Trường hợp sáp nhập, chia tách để thành lập nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định như đối với thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ.

2.2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc qua bưu điện.

2.3. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ gồm có:

– Tờ trình đề nghị sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;

– Văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của giáo viên giảng dạy tại lớp đó (thực hiện theo Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015).

Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ.

2.4. Thời hạn giải quyết: 25 ngày. Trong đó:

– 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị kiểm tra các điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;

– 10 ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiểm tra trên thực tế, nếu thấy đủ điều kiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

– 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản cho phép thành lập hoặc không cho phép.

2.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân.

2.6. Cơ quan thực hiện TTHC:

– Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Cơ quan trực tiếp giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Cơ quan phối hợp thực hiện: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

2.7. Kết quả thực hiện TTHC:

Quyết định cho phép sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

2.8. Lệ phí: Không.

2.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.

2.10. Yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC:

2.10.1. Bảo đảm quy định tại Điều 13 của Điều lệ trường mầm non:

a)Trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.

+ Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:

– Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;

– Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;

– Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.

+ Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau:

– Lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi: 25 trẻ;

– Lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: 30 trẻ;

– Lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 trẻ.

+ Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1 của Điều này thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép;

+ Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật. Việc tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ em khuyết tật học hòa nhập trong nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành

+ Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định hiện hành. Nếu nhóm, lớp có từ 2 giáo viên trở lên thì phải có 1 giáo viên phụ trách chính.

b) Tuỳ theo điều kiện địa phương, nhà trường, nhà trẻ có thể có thêm nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo ở những địa bàn khác nhau để thuận tiện cho trẻ đến trường, đến nhà trẻ (gọi là điểm trường). Hiệu trưởng phân công một phó Hiệu trưởng hoặc một giáo viên phụ trách lớp phụ trách điểm trường. Mỗi trường, mỗi nhà trẻ không có quá 7 điểm trường.

2.10.2. Bảo đảm an toàn và quyền lợi của trẻ và giáo viên.

2.10.3. Góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

2.11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

– Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục;

– Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường mầm non (là văn bản hợp nhất các văn bản sau: Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008, Thông tư số 44/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010, Thông tư số 05/2011/TT-BGDĐT ngày 10/02/2011 và Thông tư số 09/2015/TT-BGDĐT ngày 14/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

* Ghi chú:

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao:

1. Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.